1
days
No7. History, Culture, Cuisine tour
Price: 65$ - Around BMT city, Total: 30Km
Chúng tôi đón bạn từ 8:00 - Sau đó đi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa ở DakLak, đến trưa tùy các bạn muốn thưởng thức món gì chúng tôi sẽ dẫn đi
History, Culture - Lịch sử, Văn hóa
Ở đây trưng bày rất nhiều hiện vật, hình ảnh có giá trị. Bảo tàng là một không gian thu nhỏ của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ với các loài động, thực vật; cây công nghiệp chủ lực của vùng và về văn hóa của 44 dân tộc cùng sinh sống tại Đắk Lắk, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và các tập quán sinh hoạt, làm việc, cùng các vấn đề liên quan đến bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện rõ nét. Hơn thế nữa Bảo tàng có trưng bày các vật khảo cổ, vật dụng, hình ảnh và tư liệu về 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Con người Tây Nguyên không những gần gũi trong sinh hoạt mà còn rất anh dũng trong đấu tranh giải phóng dân tộc.
Bảo tàng bao gồm ba khu trưng bày chính trên tầng 2 của tòa nhà:
-
Khu giữa: Đa dạng sinh học.
Không gian trưng bày hiện vật, hình ảnh về hệ sinh thái và thổ nhưỡng của Tây Nguyên như là:
Rừng: thủy tùng, cẩm xe, gỗ xưa, cẩm lai...và các loại thuốc dân gian;
Động vật: báo, gấu chó, chồn bay...;
Khu sinh thái: hồ Lắk, thác Đray Nur;
Thổ nhưỡng: đất đỏ bazan, đất sét, đất xám...;
Cây công nghiệp: cây cà phê (còn được gọi là vàng đen), cao su (còn được gọi là vàng trắng)[4], tiêu...;
-
Khu bên trái: văn hóa dân tộc.
Không gian trưng bày hiện vật, hình ảnh về đời sống, sinh hoạt của con người Tây Nguyên tiêu biểu là người Êđê bản địa ngoài ra còn các dân tộc bản địa khác và một số dân tộc nhập cư như là:
Nông nghiệp: gùi, các dụng cụ trồng lúa của người bản địa;
Săn bắn hái lượm: thuyền độc mộc, giỏ, lao;
Dụng cụ bắt voi và thuần dưỡng voi;
Nhà dài và không gian trong nhà: ghế dài, bếp lửa, đồ trang sức;
Trang phục: Già làng, thầy cúng;
Nghề thủ công: diệt thổ cẩm, dệt chiếu, làm đồ gốm cuộn vải, lò rèn hơi bằng ống tre;
Cồng chiêng Tây Nguyên: cồng chiêng của người Êđê và Jarai;
Rượu cần Tây Nguyên với kích thước các chum to nhỏ khác nhau;
Nhạc cụ dân tộc: đàn đá,
Tang lễ: lễ bỏ mả và tượng nhà mồ;
Trang phục của một số dân tộc bản địa và các dân tộc nhập cư khác: người M'Nông, người Việt, người Dao, người Thái...;
-
Khu bên phải: Lịch sử.
Không gian trưng bày hiện vật, hình ảnh về vật dụng của người cổ đại, vũ khí chiến đấu phục vụ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngoài ra, còn các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất đầu những năm hòa bình,...
Hóa thạch: hình ảnh ốc hóa thạch;
Đồ khảo cổ: trống đồng Đông Sơn, cồng chiêng, chén đĩa cổ và các dụng cụ dùng trong sinh hoạt thời kháng chiến;
Các hình ảnh và tư liệu về các chiến dịch trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc: chiến dịch 1930-1954 (tiền, hình ảnh về nhà đày Buôn Ma Thuột, đồ dùng cách mạng); chiến dịch 1954-1975 (súng các loại, giường cách mạng); từ 1975 cho đến nay (máy đánh chữ, điện thoại, máy cưa, các con dấu của tư lệnh, cột mốc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia năm 2007.
Cuisine Tour - Ẩm thực
1. Thịt nai Đăk - Lăk
Thịt nai giờ trở thành món đặc sản chủ yếu của vùng rừng núi Tây Nguyên, đặc biệt là ở Đắk Lắk vì vùng Tây Bắc giờ rất khó kiếm được. Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non. Thịt bò 7 món đã gây thèm muốn, có nơi trở thành đặc sản, nhưng 7 món nai vượt xa một cách bất ngờ, cho nên càng không thể so sánh với bò, cho dù là bê cũng không đọ nổi với thịt nai.
Các nhà hàng đặc sản thịt nai tươi ở Buôn Ma Thuột - TP trung tâm của tỉnh Đắk Lắk đã đưa thịt nai vào hầu hết thực đơn bữa thường, bữa tiệc... bằng các món nai nướng, nai xào làn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử và sau cùng là nai khô hợp lại đủ 7 món như thịt bò. Nhưng nai nướng, nai nhúng giấm và nai khô lại là những món tiêu biểu nhất.
Thịt nai nướng thái mỏng ướp mỡ nước và gia vị rồi cắt mấy lát gừng nướng riêng để ăn nóng cùng lúc rất hợp. Nai nướng không cần nước chấm, cũng không cần muối tiêu, miếng thịt nai nướng chín ngọt, mềm cộng với vị gừng nóng kích thích người ăn đến mê say mặc dù chẳng cần dùng đến rượu.
Nai nhúng giấm như một bản nhạc đã chuyển gam bởi lẽ đã thấm đậm đà một hương vị không giống miếng nai nướng béo ngậy. Nai nhúng cũng phải thái mỏng nhưng lại ướp với sả nước mắm ngon, ngũ vị hương và tỏi. Khi ăn phải dùng lẩu đặt giữa bàn, nước dùng có pha giấm đun sôi sục, cạnh lẩu là một khay to đựng đủ loại rau: sa lát, cà chua, hành tây thái khoanh, chuối xanh thái lát.
Nai khô có thể là đầu bảng trong các món nai. Nai khô không béo ngậy như nai nướng vì cách thức và nguyên liệu tẩm ướp khác nhau nên miếng nai khô ngọt lịm. Thịt nai thái ngang thớ, miếng dài chừng 5cm ướp kỹ bằng xì dầu, sả, muối, đường, ớt mè trắng và ngũ vị hương. Sau khi ướp trong vòng 80 phút lấy từng miếng nướng trên than hoa, nướng xong dùng sống dao dần cho miếng thịt mềm mại rồi ăn mà không cần chấm với bất cứ thứ gì.
2. Gỏi lá
Nếu một lần đến phố núi nằm ở cực bắc Tây nguyên (Kontum), mời bạn cùng cư dân vùng sơn cước thưởng thức món gỏi lá đặc sản Tây Nguyên. Gỏi lá được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau, nhiều loại rất quen thuộc nhưng cũng có những loại phải tìm kiếm từ rừng Tây Nguyên mới có.
Xếp một "rừng" lá, vị chủ nhà bắt đầu giới thiệu cho du khách từng loại lá khác nhau như lá lộc vừng, sâm đất, hồng ngọc, mơ, cải cay, ổi, đinh lăng, sung, lá lốt, trâm, mã đề, diếp cá, chó đẻ răng cưa, quế, húng, thuyền đất… Mỗi loại có một tác dụng chữa bệnh khác nhau. Lấy các loại lá này cuốn thành hình phễu để gắp vào đó các loại thức ăn. Các món ăn kèm với lá như thịt heo ba chỉ, tôm rang, da heo thái mỏng trộn cùng bột gạo nếp rang.
Nước chấm được làm từ bỗng rượu, được khử qua dầu ăn, lẫn cùng trứng vịt thành loại nước chấm sền sệt. Tiêu để nguyên cả hạt, muối hạt, ớt cay xanh, hành là những gia vị không thể thiếu. Kẹp đủ các loại lá, bỏ vào đó thịt, tôm, da heo, gia vị rồi ăn cùng một lúc, nhai càng kỹ càng dễ nhận ra nhiều hương vị vừa có vị chan chát, vừa ngòn ngọt, chua chua và vừa bùi béo ngậy của thịt, tôm.
Sau mỗi lần ăn, làm thêm một ngụm rượu được ngâm lâu ngày từ rễ cây đinh lăng. Cuối cùng là một nồi cháo cá lóc, nóng hổi để ăn lót bụng là tuyệt nhất. Theo nhiều người dân phố núi, ăn gỏi lá nhiều rất tốt, bởi hầu hết đều là những lá cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh. Người mắc các chứng bệnh về tim mạch, đường tiêu hóa… ăn vào có thể chữa bệnh.
3. Cơm lam
Cơm lam được coi là món ăn của núi của rừng bởi chắt lọc trong đó vị ngọt của dòng suối mát trong và hương thơm của tre nứa xanh ngút đầu non. Bắt đầu từ những chuyến đi dài ngày của người đàn ông với ống gạo mang theo, dao quắm và đánh lửa cùng ống nứa sẵn trong rừng nhưng theo bước chân những người khách du lịch, cơm lam đã trở thành món ăn đặc sản, làm say lòng du khách.
Để làm được cơm lam ngon đòi hỏi một sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đầu tiên phải chọn cây nứa ngô còn non, chặt lấy gióng lưng chừng nứa rồi phạt đi đầu mặt, dùng lá nút lại, chất củi xung quanh đốt cho sôi. Gạo nếp làm cơm lam phải chọn loại nếp trắng, dẻo, thơm, tốt nhất là "khảu tan" (nếp tan). Ngâm gạo, vo sạch, rắc ít muối trộn đều rồi cho vào ống lam, cùng với dòng nước suối trong vắt sẽ tạo nên một cơm lam hương vị đặc biệt của núi rừng, có thể làm say lòng bất cứ người thưởng thức nào.
Khi cơm chín, chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài ống cơm thật khéo léo cho đến khi bao bọc phần ruột cơm chỉ là một lớp nứa mỏng. Xắt mỗi ống ra thành năm hay bảy khúc. Khi ăn chỉ cần bóc bỏ lớp nứa bên ngoài, ăn cùng với thịt gà hay thịt lợn rừng nướng (được nướng trong ống tre). Tuy nhiên, cơm lam ngon nhất khi ăn với muối vừng.
4. Gà nướng Bản Đôn
Để có những con gà nướng ngon, hợp lòng du khách, người dân Bản Đôn phải rất công phu nuôi chọn gà và có cách làm món riêng. Trước hết, giống gà phải là gà thả vườn chính hiệu. Đất ở Bản Đôn rộng, vườn thưa, gà nuôi ở đây được thả rông tự do, thức ăn chính của chúng là cỏ non, côn trùng và lúa rẫy. Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con.
Sau khi làm xong, gà để nguyên con, có thể dần cho con gà bẹp lại rồi ướp muối ớt, nước sả và thêm ít mật ong rừng. Chú ý, sả được giã nhỏ rồi chỉ lọc lấy nước chứ không ướp cả củ, nước sả càng nhiều, thịt nướng càng thơm ngon. Con gà thường được kẹp vào thanh tre rồi quay đều trên lửa than. Bếp than to nên một lần có thể nướng quay nhiều con, cứ vài phút xoay trở một lần cho đến khi gà chín chuyển sang màu vàng, tươm mỡ bóng nhẫy. Thoạt nhìn cũng đủ cồn cào dạ dày.
Để ăn gà nướng ở Bản Đôn "đúng bài", thì phải chấm thịt gà với muối ớt hoặc muối sả. Dù loại muối nào cũng nhất thiết phải giã muối hạt với ớt rừng xanh. Loại ớt này mọc hoang ngoài vườn, ăn giòn thơm rất hấp dẫn.
5. Rau rừng
Bữa cơm miền cao nguyên Gia Lai bắt đầu bằng món rau xanh luộc. Những đọt lá xanh ngăn ngắt, cứng cáp, tươi non có vẻ khá quen, nhưng khi hỏi tên nó thì người địa phương cũng chỉ biết đáp gọn lỏn: "Rau rừng!".
Nhưng rau rừng là rau gì? Theo hình dáng thì loại này rất giống rau lủi, vốn là đặc sản chỉ có ở vùng rừng Trà My (Quảng Nam), nhưng xét về hương vị, rau rừng Gia Lai thiếu đi chất nhớt và cả vị thuốc, dù độ giòn ngọt thì tương tự. Có người lại cho rằng nó na ná rau tàu bay hay đọt dớn…
Theo lời người dân địa phương, rau rừng rộ ở Gia Lai chỉ khoảng chừng vài năm trở lại đây, trước đây là nó món "chống đói" của bộ đội Trường Sơn.
Được trồng khá rộng rãi nên ở đâu cũng có, mùa nào cũng có, nhưng rau ngon nhất là ở đầu mùa mưa, khi cây nảy những đọt non xanh mướt, bóng lưỡng. Nó gắn liền với chất rừng núi của vùng Gia Lai nên người phương xa ghé Gia Lai, muốn tìm thứ gì đó mới lạ cho bữa ăn thì được giới thiệu ngay.
Chất rừng ở loại rau này không nằm ở sự ngon ngọt mà ở vị mát, dù ban đầu cứ tưởng nó chẳng có mùi vị gì. Rau rừng còn ngon ở độ giòn, dù có nấu quá lửa thì vẫn không bị nát. Cách chế biến ngon nhất là luộc hoặc xào tỏi, chấm với mắm cua (làm từ cua đồng giã nát, lọc xác vắt lấy nước rồi phơi nắng) màu nâu đất ánh sắc vàng gạch, mặn mòi.
Khẳng định như thế vì món rau này từng được mang ra "thí nghiệm" với tất cả các loại nước chấm, kể cả muối tiêu chanh, nhưng không có loại nào vượt qua được mắm cua. Người Gia Lai xa quê lên cơn nghiền rau rừng vẫn phải nhờ người quen để gửi vài bó rau theo đường hàng không để ăn cho đỡ thèm.
Rau rừng đã có mặt cả trong các siêu thị ở Pleiku, được bán với giá khoảng hơn 30.000 đồng/kg. Riêng mắm cua thì không dễ kiếm, lại khó mang theo nên được thay bằng nước mắm kho quẹt kiểu Nam bộ, tuy không đúng chất rừng nhưng cũng chấp nhận được.
6. Cá lăng
Cá lăng, một đặc sản mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người Tây Nguyên, là loài cá nước ngọt, thuộc bộ cá da trơn, có nhiều trên sông Sêrêpốk. Cá có vị ngọt, béo, thơm ngon nên đã có mặt trong thực đơn của các quán ăn, nhà hàng, khách sạn và được nhiều thực khách ưa chuộng. Cá lăng dùng để làm chả, cá lăng om chuối, cá lăng hấp, cá lăng xào tỏi hay cá lăng nấu cháo, món nào cũng thơm cũng ngon.
Cá lăng nướng là món ngon với những hương vị béo, thơm, ngọt, đậm đà. Cá lăng làm sạch, để ráo, loại bỏ da và xương, cắt miếng vừa ăn rồi ướp với nước mắm, mì chính, mẻ, nước cốt riềng, nghệ khoảng mười phút cho cá thấm gia vị. Trước khi nướng cá trên than hồng, cần phết một lớp dầu phộng lên từng miếng cá. Người đầu bếp phải khéo léo lật trở vỉ nướng nhằm tránh làm cá cháy.
Khi những miếng cá lăng chảy mỡ kêu xèo xèo và từng miếng cá chuyển sang màu nâu cánh gián, dậy lên hương thơm quyến rũ của thịt cá và mẻ là khâu nướng cá đã hoàn thành. Món cá lăng nướng có thể ăn kèm với bún. Nhưng cá lăng nướng cuốn bánh tráng với các loại rau: khế, chuối chát, dứa, húng, quế, là món ngon rất lạ miệng. Những hương vị béo, ngọt, thơm của cá quyện với vị dai của bánh tráng, tươi non của các loại rau cùng vị đậm đà của nước mắm chanh, tỏi, ớt khiến những ai lần đầu thưởng thức món ngon này sẽ nhớ mãi không quên.
Lẩu cá lăng nấu canh chua là một món ngon giải nhiệt, bổ dưỡng, được nhiều người lựa chọn trong mùa hè. Nguyên liệu chính để nấu lẩu gồm: cá lăng, măng chua, nghệ tươi giã nhỏ, cà chua chín băm nhuyễn. Cá lăng làm sạch, cắt lát vừa ăn rồi trụng qua nước sôi cho thịt cá săn chắc. Phi thơm dầu phộng với hành băm rồi cho nghệ tươi và cà chua vào xào lấy nước màu, tiếp tục cho cá lăng và măng chua vào, nêm gia vị gồm bột nêm, mì chính, nước mắm, để lửa nhỏ cho cá thấm gia vị.
Cuối cùng, cho nước hầm xương vào nồi lẩu, đun sôi lẩu rồi tắt bếp. Để món ăn thêm nhiều hương vị cần cho thêm một ít tiêu bột, ớt tươi cắt lát và một ít rau thơm như hành lá, ngò rí. Lẩu cá lăng nấu canh chua dùng kèm với bún hay ăn như một món canh chua thông thường vừa thơm ngon lại rất ngọt nước, thích hợp dùng trong những ngày hè nắng nóng.
7. Canh cà đắng
Người dân tộc Tây Nguyên – Đắk Lắk, Đắk Nông thường dùng cà đắng chế biến món ăn trong các bữa cơm để phòng và chữa bệnh thống phong, thấp khớp hay đau nhức. Cây cà đắng mọc hoang trên nương rẫy rồi được trồng nhiều trong vườn, hầu như nhà của người Ê Đê nào cũng có trồng cà đắng. Cây có gai, có trái quanh năm, có loại ít và loại nhiều gai; càng nhiều gai cà càng đắng, đắng như khổ qua. Nay thấy cà ăn ngon, có tín hiệu tích cực cho sức khoẻ, người Kinh cũng trồng đại trà bán ở các chợ, giá đến 10.000đồng/kg. Trái lớn gấp đôi, ba lần trái cà pháo nhưng tròn ô van chứ không tròn quay.
Cách nấu dân dã của người Ê Đê ngon một cách bất ngờ. Đầu cá trích khô cho vào cối giã nát, khử hành hay tỏi với một ít dầu, đưa bột đầu cá trích vào xào sơ – dậy thơm nhờ tinh dầu cá trích có nhiều trên đầu. Đổ nước vào nấu canh, sôi lên, cho cà xắt khoanh hay bổ như múi cam vào. Khi cà mềm, chắt nước cơm cho vào nồi canh để nước có độ sền sệt, làm tô canh thơm lạ cùng với vị ngọt, đắng nhẫn nhẫn của cà..
Canh cà đắng thường giằm nhiều ớt cay và "đắng cay" này để thưởng thức chứ không... than vãn. Cầu kỳ hơn, da heo cắt cỡ chừng hai đốt ngón tay nấu thêm trong nồi canh cà đắng, tăng vị béo béo, dai dai mà ngon đáng kể.
Cá khô là thực phẩm dự trữ phổ biến của người miền núi và không biết tự bao giờ người Ê Đê lại chọn được đầu con cá trích khô nấu cà đắng – nó tương hợp một cách ngon lành. Có lẽ tinh dầu cá trích thơm ngậy mà thường được đóng hộp, "biến tấu" khác, dùng cá hộp nấu canh cà đắng thay cho đầu cá trích giã nát – vẫn không thua kém nhau.
Cà đắng với người Ê Đê còn nấu với cá khô, cá hấp, tôm tép khô, ốc, còn người Kinh nấu canh cá tươi hoặc um cà với ếch, lươn, thịt dê, gà bò... Đĩa cà đắng um mềm nhừ, thơm là lạ và vị khó bị trùng nhờ chất nhẫn đắng của chính nó. Hiện nay, món dân gian này đã vào nhà hàng, quán xá với giá chừng 55.000đ/tô.
Theo chỉ vẽ của dân gian, cà đắng không ăn sống như cà pháo mà chỉ ăn chín. Có thể mua nhiều về cắt miếng phơi khô, treo giàn bếp dùng dần; trước khi nấu đem ngâm nước chừng 5 – 10 phút, cà mềm và vị đắng vẫn không mất đi.
8. Măng nướng xào "vêch" bò
Bạn đã nghe đến măng xào, măng luộc, măng chua, măng khô và những món được chế biến từ chúng. Nhưng chắc ít ai biết đến món măng thui hay măng nướng. Đây là một món ăn đặc sản ở xã Ea Sol, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk.
Một số người có thể không thích cái mùi của vêch (lòng phèo) bò, nên món này khá là khó nuốt, nhưng đã là người con của Ê Đê phải biết ăn vêch. Món vêch xào măng nướng chỉ dùng trong bữa ăn sáng, chiều của người dân. Nó có vị hơi đắng nơi đầu lưỡi của vêch bò, sau đó là vị ngọt thanh của măng rừng, vị cay của ớt. Măng có mùi vị rất thơm, không như măng luộc.
Mùa nào thức đấy, nhưng phải đợi mùa mưa, măng le rừng mọc mới nấu món đó được, chứ mua măng ở chợ nấu không ngon. Nếu phải làm để đãi khách thì có thể dùng tạm măng m’ô để nấu vêch bò. Tuy măng m’ô cũng mềm và ngọt nhưng món măng nướng này phải là măng alê mọc tự nhiên ở rừng mới ngọt thơm và dai, không bị nhão.
Để làm món ăn này, đầu tiên đặt những cây măng lên bếp lửa nướng trên lửa to, cho cháy lớp áo măng bên ngoài, rồi khơi than cho lửa liu riu, chờ măng chín, để nguội, bóc sạch sẽ áo măng, rửa lại rồi mới xắt nhỏ ra. Dùng vêch đã khô, cứng, vắt lấy chất dịch màu xanh đen hơi, đặc quánh trong đó ra chiếc chén con. Đặt chiếc chảo bự nhất lên bếp lửa cháy đỏ, giã nát một nắm củ nén và ớt chuột rồi rồi phi thơm, sau đó cho măng vào xào cho nóng, gia vị chỉ cần muối và mì chính là đủ. Món này phải cay mới ngon. Măng đã được nướng chín nên chỉ xào sơ qua cho nóng là có thể cho vêch vào chung. Trong khi xào phải đảo đều tay và liên tục để vêch không bị khô và dính vào đáy chảo.
Mùi thơm của vêch bò, củ nén, của măng nướng như mời gọi. Nhìn nồi măng nghi ngút khói mà nước miếng cứ chảy ra. Người không quen ăn cay có thể chảy cả nước mắt, nhưng nồi cơm gạo rẫy mới thơm thơm, hết bay lúc nào không biết.
9. Cá tiến vua
Trên bàn tiệc, món rau rừng còn được bỏ vào lẩu cá, đa phần là những loài cá đánh bắt được từ sông Sê San. Dòng sông hùng vĩ, lắm thác ghềnh này ngoài khả năng thủy điện còn chứa trong lòng những loài thủy sản quý hiếm như cá sọc dưa, cá lăng, cá chiên, thậm chí cả loài cá anh vũ.
Nhìn thấy cá anh vũ trong thực đơn, thực khách khấp khởi, vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì có người ngược ra tận vùng Việt Trì, Phú Thọ, sẵn sàng bỏ cả triệu đồng cho một đĩa cá anh vũ mà đâu có cơ may thưởng thức, còn lo vì giữa đại ngàn mà có cá anh vũ chễm chệ trong thực đơn thì chắc đó là… đồ nhái!
Theo mô tả của người am hiểu về cá ở xứ này, cá anh vũ có dáng dấp khá giống cá trôi, nhưng vảy có sắc óng ánh, phần đầu thuôn và đặc biệt là cặp môi hình tam giác rất dày (có nơi còn gọi là cá lợn). Xin chủ quán cho ngắm mặt mày con cá này, chủ quán đành lắc đầu phân bua rằng thường trong ngày chỉ có một con, mà đã chế biến sơ rồi, có muốn xem cũng chịu.
Cả thành phố Pleiku chỉ có đôi ba quán có bán loài cá này. Những ngư dân dọc sông Sê San thường chặn bắt cá anh vũ ở vùng nước trong, nhiều hang hốc, chủ yếu ở khu vực thủy điện Ialy.
Cá rất có giá nên lâu ngày ngư dân có lẽ cũng quên vị cá, bởi đánh bắt được là đành chép miệng "gả" lại cho các nhà hàng. Còn việc cá không còn nguyên vẹn vì được mổ sạch ruột ngay khi đánh bắt được để tránh bị trương phình do cá thường bốc mùi ươn nhanh.
Thịt cá chắc nhưng vẫn mềm mại, trắng và thơm, thường được làm thành vài món là nướng mọi, nướng muối ớt, hấp, nấu lẩu măng chua. Hấp dẫn hơn cả là món chiên giòn với gừng, ban đầu cứ ngỡ là thịt gà nhưng cắn vào thì thơm ngon hơn nhiều. Ngon không chỉ vì thịt cá, mà còn bởi được tận hưởng cảm giác "làm vua" trên bàn tiệc đại ngàn, ai ăn cũng cứ luôn miệng tấm tắc khen.
10. Lẩu lá rừng
Ai từng ghé thăm phố núi Pleiku chắc đã được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội để nếm thử món lẩu lá rừng hấp dẫn.
Bạn có thể dễ dàng tìm mua và thưởng thức những món ăn dân dã nơi đây, tuy nhiên, bạn sẽ không dễ dàng để được thưởng thức món lẩu lá rừng vì có rất ít nơi bán món ăn này. Và nếu có may mắn được thưởng thức món ăn này trong những nhà hàng, quán ăn thì cũng không thể hấp dẫn bằng việc thưởng thức nó ngay giữa núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn.
Món lẩu lá rừng này được chế biến đầu tiên bởi những người dân tộc Ê Đê nơi đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, để có thức ăn nuôi sống hằng ngày, người Ê đê phải vào rừng để hái những loại lá khác nhau về nấu canh. Trải qua thời gian, lẩu lá rừng đã trở thành món đặc sản của người dân tộc bản địa.
Gọi là lẩu nhưng thực ra giống món canh hơn, nguyên liệu được dùng ngoài nhiều loại lá khác nhau chỉ là tôm khô hoặc các loại thịt khác. Dường như hương vị của núi rừng, của đại ngàn đã thấm vào từng chiếc lá. Có hơn 10 loại lá được dùng để chế biến món ăn này, phần lớn chúng được người dân bản địa phát hiện ra khi đi rừng. Điều đó có thể khiến bạn lo sợ về độ an toàn của món ăn này, tuy nhiên, với những người con của núi rừng, họ luôn đủ kinh nghiệm để chọn cho mình những loại lá không gây độc cho cơ thể.
Thưởng thức kèm với thịt heo rừng hấp, hay những món ăn dân dã khác sẽ giúp bạn cảm nhận hết hương vị của vùng đất cao nguyên hoang sơ. Vị cay nồng của lá cây tươi, kèm theo chút vị ngọt của các loại gia vị sẽ là thứ khiến bạn không bao giờ quên được khi đã một lần thưởng thức lẩu lá rừng.
11. Heo rẫy nướng
Heo rẫy là loại heo đồng bào nuôi kiểu chăn thả tự nhiên. Khi ả heo nào đó rời buôn mấy ngày, chủ nhân của nó lại biết chắc hơn ba tháng nữa nó sẽ trở về cùng với đàn con lai heo rừng bờm dựng đen trũi. Heo rừng da dày, heo rẫy da mỏng nhưng rất ít mỡ, thịt mềm ngọt chắc, giá đắt gấp rưỡi thịt "heo phổ thông" nuôi mổ chất đầy các sạp chợ.
Hai món heo nướng cao nguyên và heo nướng muối ớt đều tỏa mùi thơm gốc rễ vì có chung mấy loại gia vị tẩm ướp cơ bản: củ nén, ngò gai, gốc mùi, sả, ớt. Món nướng cao nguyên thì chặt nhỏ xiên tre, món nướng muối ớt thì nướng nguyên con dùng dao xẻo tại bàn. Bí quyết heo nướng để lâu vẫn óng ả giòn thơm là dùng sô-đa đánh tan mạch nha và nước cốt chanh, phết nhiều lớp lên da, quay đều trên bếp than hồng.
12. Bò một nắng nướng
Thị trấn Củng Sơn (Phú Yên) là nơi sản sinh ra loại bò một nắng này. Ngày nay bò một nắng đã trở thành đặc sản phổ biến không chỉ ở Phú Yên mà còn ở các tỉnh Tây Nguyên. Tên gọi của bò một nắng bắt nguồn từ cách chế biến. Món ăn được làm từ thịt bò tươi, thái thành từng miếng mỏng, ướp sơ qua với các loại gia vị, đem phơi ngoài nắng trong một ngày nên có tên gọi là bò một nắng. Sau đó đóng vào bao cất giữ, khi ăn chỉ cần lấy ra nướng chín trên bếp than hồng và thưởng thức với muối kiến vàng của người dân tộc.
Chế biến bò một nắng rất đơn giản, chỉ cần chọn loại nguyên liệu ngon là được. Theo bí quyết của người dân ở đây, thịt bò nhất quyết phải là bò tơ, được chăn thả trong tự nhiên nên thớ thịt săn chắc, ít nước lại có vị ngọt tự nhiên đem lại cho người ăn cảm giác ngon miệng. Thịt được lóc bỏ da, rửa sạch và thái thành từng miếng mỏng, lớn cỡ bằng bàn tay là được. Thịt sau khi thái xong được ướp sơ qua với các loại gia vị như đường, muối, bột nêm, ớt trái giã nhỏ, vừng.
Khâu ướp gia vị rất quan trọng, không nên ướp đậm quá vì khi nướng chín, thịt sẽ bị mặn không ngon, cũng không nên ướp nhạt quá, bò không thấm đủ gia vị, sẽ nhanh hư, không để lâu được. Sau đó đem phơi ngoài nắng, nếu trời nắng to, chỉ cần phơi trong một ngày, thịt bò khô lại, cầm lên tay không bị dính là được. Khi ăn, chỉ cần lấy từng miếng thịt, cho lên vỉ và nướng trên bếp than hồng. Thịt nướng chín rám vàng hai cạnh cùng mùi thơm tỏa ra rất quyến rũ. Khi nướng nhớ trở đều tay để thịt chín đều và không bị cháy.
Bò sau khi nướng chín, được cho lên thớt, dùng chày đập nhẹ cho miếng bò mềm, xé thành từng miếng nhỏ. Bò một nắng được ăn kèm với dưa leo, chuối chát, các loại rau thơm và thức chấm. Thức chấm của món ăn này rất phong phú, có thể là tương ớt, muối ớt chanh... nhưng độc đáo và ngon miệng hơn cả phải là muối kiến vàng của người dân tộc.
Kiến vàng (hay còn gọi là kiến càng) là loại côn trùng chuyên sống trên cây trong rừng hay các vườn cây ăn trái. Kiến sau khi bắt về, cho lên chảo rang sơ kiến và trứng kiến. Sau đó cho thêm gia vị như muối, ớt vào cối và giã nhuyễn với một loại lá rừng đặc biệt có tên gọi là lá then len (tên gọi của người dân tộc). Xé một miếng thịt bò, chấm vào chén muối kiến vàng và thưởng thức cùng các loại rau để cảm nhận thịt bò mềm và ngọt hòa trong cái đậm đà nhưng chua chua của muối kiến rất ngon miệng.
Includes:
- English speaking guide
- Motorbikes
- All petrol (gasoline), Helmets
- All entrance fees
Excludes:
- Your food and drinks
Why You would Like to use my service
1. I 'll pick you up when you get to BMT by my Motobice.
2. You can sleep in my home(no fee), have wifi, hot water for shows. Soft cushions and warm blankets
3. You can change Tour schedule.
4. I will show you many things about BMT as: food , culture ,
meet my friends, play bilard at night, go to drink coffee, ect….